Luật Nhà ở sửa đổi cho phép cá nhân và tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Những quy định “thoáng” hơn của bộ Luật với đối tượng người nước ngoài đã tạo nguồn cầu và lực đẩy mới cho thị trường bất động sản. Vậy người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cần lưu ý những điều gì?
Người nước ngoài được sở hữu bất động sản ở Việt Nam như thế nào?
Theo các chuyên gia của Savills, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á. Từ 2014 đến 2016, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi với mức tăng trưởng GDP tương ứng là 5,4%, 6,0% và 6,7%. Những tín hiệu khả quan của nền kinh tế và Luật đất đai mới được sửa đổi dẫn đến nguồn cầu khách ngoại quốc muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam tăng mạnh.
Theo quy định của Luật Nhà ở, người nước ngoài được sở hữu bất động sản ở Việt Nam là những cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Các loại hình bất động sản người nước ngoài được phép mua bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Luật cũng quy định rõ người nước ngoài không được mua quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, không quá 10% số lượng dự án (biệt thự hoặc nhà riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng hoặc không quá 250 căn trong một đơn vị hành chính phường.
Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Khi hết thời hạn sở hữu nhà ở ghi trong giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được nhà nước xem xét, gia hạn thêm.
Cá nhân nước ngoài có thể sở hữu nhà qua hình thức trở thành nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam hoặc thực hiện giao dịch mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong các dự án đầu tư nhà ở.
Các chuyên gia của Savills cũng đưa ra lời khuyên là người nước ngoài nên mở tài khoản tại Việt Nam khi có nhu cầu thanh toán cho chủ đầu tư. Người mua nhà nên mở tài khoản tại những ngân hàng quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam như ANZ, Citibank, HSBC và Standard Chartered.
Những loại thuế người nước ngoài cần biết khi giao dịch
Người nước ngoài có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho bên thứ ba (bằng quyền uỷ nhiệm) để kê khai và nộp thuế ở một văn phòng thuế tại quận nơi có tài sản. Việc nộp thuế cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với khách nước ngoài, quá trình mua bất động sản gồm các loại thuế sau:
Thuế giá trị gia tăng: 10% thuế giá trị gia tăng trên bất kỳ giao dịch nào của cá nhân mua nhà.
Chi phí hành chính: Đây là khoản phí không đáng kể liên quan đến thủ tục giấy tờ khi tiến hành nhận giấy chứng nhận sở hữu nhà đất theo luật hiện hành.
Phí trước bạ: 0.5% giá trị căn hộ dành cho khoản phí trước bạ khi đăng ký giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Phí bảo trì: Đây là khoản quỹ dùng chung được đóng góp bởi người mua dành cho việc bảo trì những phần dùng chung của dự án. Hiện tại, khoản phí bảo trì là 2% trên giá bán căn hộ trước thuế.
Đối với việc bán lại bất động sản, thì người nước ngoài cũng giống như người Việt Nam phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 2% trên giá trị giao dịch dành cho giao dịch chuyển nhượng lại căn hộ.
Đối với việc cho thuê, người nước ngoài nộp thuế thu nhập cá nhân là thuế dành cho thu nhập có được từ việc cho thuê nhà là 5% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng.
Đối với thu nhập có được từ việc cho thuê vượt quá 100 triệu đồng một năm, thuế kinh doanh là 1 triệu đồng một năm.
Thúy An