Những góc nhìn tích cực về thị trường bất động sản Việt Nam

Trao đổi tại Hội thảo “Real Estate – The Wise Choice” do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức sáng 21/11 ở Tp.HCM, hầu hết diễn giả tham dự đều có chung quan điểm: thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang phát triển bền vững và đón đợi nhiều cơ hội.

Phân tích thị trường BĐS thời điểm hiện tại, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận định, không có cơ sở nào để lo ngại về nguy cơ bội cung cũng như dư thừa nhà ở tại Việt Nam. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm, Tp.HCM có khoảng 28.000m2 nhà ở mới được đưa vào sử dụng, tăng 39% so với cùng thời điểm năm 2016. Số căn hộ chào bán thành công ra thị trường khoảng 20.851 căn với mức giá tương đương từ 1.200-1.600 USD/m2. Tuy nguồn cung tăng mạnh nhưng đây không phải là tín hiệu đáng ngại khi nhu cầu nhà ở tại Tp.HCM hiện rất lớn.

Ông Stephen Wyatt phân tích, dân số Tp.HCM vào khoảng 8 triệu người, lượng dân nhập cư mỗi năm lên đến hàng trăm nghìn người, chủ yếu là các hộ gia đình trẻ đang có nhu cầu an cư, lập nghiệp. Trong khi đó, Tp.HCM hiện chỉ có khoảng 110.000m2 đơn vị nhà ở, chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu nên không có hiện tượng dư cung. Con số tiêu thụ sản phẩm mới của thị trường luôn đạt gần 80%, sức tiêu thụ luôn ở mức tốt với gần 90% nguồn cung được hấp thụ. Hiện tại các sản phẩm hạng sang đang phát triển khá ổn định, trong khi nhà ở thu nhập trung bình và trung lưu đang tăng lên rất nhanh, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường. Vì vậy nhu cầu nhà ở tại Tp.HCM sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Real Estate – The Wise Choice
Khách mời tại hội thảo “Real Estate – The Wise Choice”

Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, ông Eric Solberg, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành EXS Capital Group cho rằng, về trung và dài hạn thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa kèm theo là tốc độ đô thị hóa tăng, dự kiến đến năm 2025 đạt 40%, nhu cầu về nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị sẽ tăng nhanh. Theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì hàng năm Việt Nam cần xây mới khoảng 100 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu của người dân, công nhân khu công nghiệp. Bên cạnh đó, đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện đáng kể, thu nhập ngày càng tăng, ra khỏi nhóm nước nghèo và gia nhập các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Thị trường nhà ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tươi sáng.

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người mua nhà vẫn lo ngại là giá bán BĐS tại Việt Nam liệu có quá cao so với thu nhập của họ? Về điều này, ông Stephen Wyatt cũng thừa nhận, giá nhà tại Việt Nam hiện khá cao và liên tục tăng trong các năm. Theo dự kiến, khoảng 3 năm tới, giá BĐS có thể tiếp tục tăng từ 10-15%.

Trả lời những lo ngại trong xu hướng tăng giá BĐS tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP đầu tư Nam Long cho rằng, so với thu nhập thật của người Việt Nam hiện tại, giá BĐS chưa tăng quá cao. Sự chênh lệch trong cán cân cung – cầu sẽ không phải là vấn đề lớn. Nếu nhìn xu hướng tăng thu nhập bình quân của người Việt Nam trong vòng 4 năm tới, thì mức giá là phù hợp, thậm chí đang giảm dần. Những chỉ số kinh tế vĩ mô cũng đang hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, nếu so sánh với thị trường khu vực như Malaysia, Philipines, Singapore, giá nhà tại Việt Nam hiện đang rất rẻ trong khi thu nhập của người Việt lại ngày càng cao lên.

thị trường BĐS Việt Nam
Các chuyên gia đầu ngành đều có cái nhìn lạc quan với thị trường BĐS Việt Nam

Một tín hiệu tích cực nữa cho thị trường BĐS Việt Nam là xu hướng dòng tiền quốc tế đổ vào thị trường ngày càng nhiều và phát huy hiệu quả rõ rệt. Tính riêng 10 tháng đầu năm, gần 2 tỷ USD được đổ vào BĐS. Con số này dự kiến sẽ càng tăng mạnh trong năm 2018 khi chính sách mở cửa toàn diện của Việt Nam phát huy tác dụng. Điều đặc biệt, dòng tiền này đều đã được giải ngân vào các dự án đang triển khai và thu về tín hiệu tích cực.

Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, nguồn vốn ngoại này là cú hích tác động lớn vào thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Từ trước đến nay, BĐS Việt Nam luôn là sân chơi chủ yếu của doanh nghiệp nội địa, nhu cầu mua phần lớn cũng đến từ đối tượng khách hàng trong nước, dù trước đó, Việt Nam đã cho phép người nước ngoài mua nhà nhưng con số này còn rất hạn chế do vướng mắc thủ tục. Theo khảo sát từ Savills, nhu cầu đầu tư và mua nhà tại Việt Nam của đối tác nước ngoài là rất lớn, sự hứng thú với thị trường này cũng tăng dần theo chính sách cởi mở của chính phủ. Điều đó cho thấy, nguồn vốn ngoại tiềm năng đổ vào BĐS còn rất nhiều và có cơ sở vững chắc để gia tăng qua các năm. Vì vậy, dự báo năm 2018, dòng vốn ngoại sẽ còn tăng mạnh vào BĐS.

Yếu tố quan trọng nữa tác động đến thị trường BĐS là đối tượng mua nhà và tiêu chí sản phẩm của khách hàng hiện tại ngày càng mở rộng. Nếu cách đây 5 năm, đối tượng mua nhà chủ yếu là người lớn tuổi, có tài chính vững mạnh và hướng đến loại hình BĐS gắn với đất có diện tích lớn, phù hợp để định cư, kinh doanh, đầu tư thì hiện nay, đối tượng người mua trẻ đang ngày càng phổ biến, thường là các bạn trẻ mới lập nghiệp, các hộ gia đình mới. Sản phẩm giới trẻ hướng đến cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các loại BĐS diện tích nhỏ, giá mềm và phục vụ mục đích ở thực. Tuy nhiên do tài chính hạn chế nên nhóm đối tượng này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách bán hàng và hỗ trợ vay từ phía ngân hàng. Thời gian qua, sự chuyển biến này giúp các chủ đầu tư nắm bắt nhu cầu, phát triển thành công loại hình nhà ở diện tích nhỏ, giúp đa dạng nguồn hàng thị trường và tạo đầu ra thông thoáng cho nhiều loại hình nhà ở.

Phương Uyên

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *