Mặc lịch sự ở không gian sinh hoạt chung, tránh làm ồn… là những quy định ràng buộc và cũng là điều kiện cần có để duy trì lối sống văn minh, nâng cao ý thức cộng đồng trong một không gian sống cao cấp. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng hiểu được điều đó.
Những cư dân “tùy tiện”
Phải nói rằng, chung cư cao cấp khác với chung cư bình dân ở nhiều lẽ. Không chỉ khác biệt về mức giá, mà chung cư cao cấp còn khác về hình thức sống và chất lượng dịch vụ. Hình dung một chung cư cao cấp (theo đúng tiêu chuẩn), ngoài tiêu chuẩn của từng căn hộ, các tiện ích hiện đại, thì cách sinh hoạt cũng theo tiêu chuẩn như một khách sạn 5 sao với an ninh nghiêm ngặt, camera kiểm soát hành lang, bảo vệ túc trực 24/24.
Với những tiêu chí như vậy, cuộc sống trong các chung cư cao cấp gần như được mặc định thường dành cho những người cao cấp (theo nghĩa rộng), tức những người có tiền, tri thức và đặc biệt có trách nhiệm với cộng đồng. Điều này mang ý nghĩa tạo dựng một nếp sống văn minh, có tính gắn kết trong cộng đồng, nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân.
Để hoàn thành trách nhiệm với cộng đồng, các chung cư cao cấp sẽ phải chấp nhận tuân thủ khá nhiều nguyên tắc chung đúng như sinh sống trong một khách sạn tiêu chuẩn như ăn mặc lịch sự ở không gian sinh hoạt chung, tránh làm ồn, ra vào theo nguyên tắc phải dùng thẻ để đảm bảo an ninh…, hay giữ gìn không gian sống sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, không chỉ riêng trong căn hộ của mình mà còn cả là không gian chung của tòa nhà.
Những quy định trên là điều tất yếu và khá quen thuộc ở các nước phát triển như ở châu Âu, châu Mỹ, hay các nước láng giềng châu Á Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm mục đích duy trì lối sống văn minh và nâng cao ý thức cộng đồng trong một không gian sống cao cấp.
Tuy nhiên, thực tế, đa số người dân Việt Nam đều đã quen thuộc với lối sống nhà phố, vì vậy khi chuyển sang môi trường căn hộ chung cư, họ cần có thời gian để thích nghi.
Từng rất háo hức khi chuyển lên sinh sống tại một khu chung cư cao cấp gần Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Hồng những tưởng sẽ được sinh sống trong một cộng đồng cư dân văn minh, lịch sự, nhưng chỉ một thời gian ngắn sinh sống, chị đã thất vọng vì những cư dân thiếu ý thức.
Nhiều hộ gia đình, người giúp việc vô tư cho trẻ nhỏ đi lại ăn uống vương vãi thức ăn khắp hành lang hay các khu vui chơi sinh hoạt chung. Hồ bơi thì có nhiều cư dân không mặc đồ tắm làm ảnh hưởng đến mỹ quan, hay có nhiều cư dân đậu xe không đúng chỗ quy định. Thậm chí, có người còn hút thuốc và cho chó mèo đi bậy trong các khu vực công cộng.
Không những vậy, có nhiều hôm, ngay sáng sớm, bước chân vào thang máy chuẩn bị đi làm, cư dân phát hoảng vì những bãi nôn văng đầy hành lang. “Nhìn những cảnh tượng như vậy là biết hôm đấy đi làm mất vui, dễ cáu gắt, dễ làm hỏng chuyện gì đó…”, chị Hồng cho biết.
Sự thất vọng của chị Hồng cũng là cảm giác chung của nhiều người khi chuyển về sinh sống tại các chung cư. Vào các diễn đàn trên mạng, có thể dễ dàng thấy hàng trăm cuộc thảo luận về những hành vi thiếu ý thức trong nếp sống tại các chung cư được cư dân chia sẻ.
Chẳng hạn, cư dân chung cư Bemes Hà Đông từng hoảng loạn vì khói bốc ra từ ban công một căn hộ tầng 12. Do chủ nhân không ở nhà, cửa khóa, hàng xóm không biết rõ là ai để liên hệ, nên Ban quản lý và chính quyền địa phương phải phá khóa để dập tắt đám cháy, khi ấy đã lan rộng khắp lan can, bén cả vào đồ đạc trong nhà. Hết giờ làm về nhà, anh Hưng, chủ căn hộ mới tá hỏa khi thấy cảnh người chen chúc đến xem, khắp tường ban công nhà mình bị lửa bùng lên cháy đen sì, may là chưa lan vào khu chứa bình gas của gia đình.
Theo điều tra sau đó, thì thủ phạm gây ra đám cháy là một thanh niên ở tầng trên vô tư ra ban công hút thuốc rồi vứt mẩu thuốc hút dở xuống dưới, rơi trúng cuộn dây điện ở ban công nhà anh Hưng, lửa bén vào dây điện và cháy lan ra xung quanh.
Cần sớm thay đổi
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, hiện có rất nhiều người khi mới mua căn hộ chung cư cao cấp thì rất háo hức với viễn cảnh sống trong một môi trường văn minh, an ninh tuyệt đối và được sử dụng những tiện ích chung một cách thoải mái. Tuy nhiên, khi nhận nhà, họ thường bối rối khi bị yêu cầu phải tuân thủ theo những quy định chung của tòa nhà hay phải tôn trọng những lợi ích chung của toàn bộ cư dân.
Vì đại đa số cư dân tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm sống trong chung cư cao cấp, nên họ thường cảm thấy phiền phức khi phải đăng ký lịch ra vào tòa nhà, cảm thấy bị gò bó trong các nguyên tắc sống mà trước đây họ thoải mái tự do, tự tại trong căn nhà của mình dưới mặt đất.
Kể cả trong việc thi công sửa chữa nhà cửa cũng không quá phiền phức, có nhưng không cần quá mức phải giữ ý quá nhiều đối với hàng xóm láng giềng. Kể cả có làm hư hỏng những tiện ích chung, thì việc bỏ ra chi phí cũng không quá đáng lo ngại so với phải đền bù trong các chung cư cao cấp.
Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện một doanh nghiệp chuyên quản lý tòa nhà chung cư cho biết, quản lý nhà chung cư hiện nay là bài toán khó, trong đó phần khó nhất là tạo dựng được một văn hóa cộng đồng chung. Sống tại các khu chung cư là sống trong một xã hội thu nhỏ, mỗi người, mỗi tính cách, mỗi quan niệm sống khác nhau và đặc biệt là có sự khác biệt về trình độ nhận thức, nên thường rất khó xử lý mỗi khi có tranh chấp với cư dân xảy ra.
Đôi khi từ những tranh chấp nhỏ, người này không chịu người kia, lan sang thành tranh chấp lớn với chủ đầu tư và ban quản lý. Với đơn vị quản lý, đã nhận trách nhiệm làm dâu trăm họ, chỉ biết làm theo hợp đồng, lắng nghe và chấp nhận lắng nghe hoặc góp ý chứ cũng không thể chỉ dạy cư dân cách sống sao trong các chung cư cao cấp.
“Tất nhiên, cũng có phần nguyên nhân xuất phát từ chất lượng của nhiều chung cư cao cấp hiện nay không tương xứng với đồng tiền, bát gạo của người dân, dẫn đến những bức xúc dồn nén lâu. Họ cũng có suy nghĩ nếu dự án đã không đạt chất lượng như lời cam kết thì cũng không cần phải quá gò mình làm gì. Khi đó đơn vị quản lý cũng đành chịu vì không thể giải quyết được”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo vị này, trước những thay đổi của điều kiện sống, các khu chung cư mọc lên ngày càng nhiều, đòi hỏi mỗi người cần phải có thay đổi, từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, phù hợp với cuộc sống chung. Có như thế, mới có thể cùng xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại tại các khu chung cư.
Bên cạnh đó, để cư dân sớm làm quen với cuộc sống mới, ngay từ khi hình thành dự án nhà ở, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng sớm quan tâm tới việc tuyên truyền cho các cư dân tương lai liên quan đến những quy định về quản lý chung cư, cũng như văn hóa, lối sống trong các khu chung cư để người dân dần quen trước với lối sống mới, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra khi chuyển về sinh sống.