TTBĐS tháng 3/2017: Đất nền “tăng nhiệt”

Thị trường bất động sản (TTBĐS) tháng 3/2017, phân khúc nhà ở chứng kiến sự áp đảo của nguồn cung căn hộ trung cấp. Những biến động về giá của thị trường diễn ra ở phân khúc đất nền và nhà phố thương mại cho thuê.

Dồi dào nguồn cung trung cấp

Nếu hai tháng đầu năm giao dịch chững lại do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán thì trong tháng 3, TTBĐS chính thức bước vào guồng đua. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm đã tăng trở lại. Tại Hà Nội, lượng giao dịch thành công trong tháng 3 tăng 17% so với tháng 2 (đạt khoảng 1.000 giao dịch). Lượng giao dịch tại Tp.HCM tăng 22% so với tháng 2 (đạt khoảng 1.100 giao dịch).

Căn hộ trung cấp áp đảo nguồn cung trên thị trường. Phân khúc cao cấp khiêm tốn đứng sau trung cấp. Đối lập với tháng 2, nhà giá rẻ thực sự “lép vế” trong cuộc bung hàng tháng 3 khi các dự án tầm 1 tỷ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

thị trường bất động sản tháng 3
Chung cư Gamuda. Lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm đã tăng trở lại

Các khu vực như Tây và Nam (Hà Nội), Đông, Nam và Tây (Tp.HCM) là những nơi có lượng cung dồi dào nhất. Trong tháng 3, căn hộ trung cấp khu Tây Hà Nội rầm rộ bung hàng với Hanoi Paragon, La Casa Villa, Garden Hill Mỹ Đình, Anland Complex, Xuân Mai Complex, Golden Field Mỹ Đình, Pandora, Park Riverside … Khu Nam Hà Nội, dòng sản phẩm trung cấp tiếp tục khuấy động thị trường với Eco Green Tower, Eco-Lake View, Sunshine Palace, Gelexia Reverside, Smile Building, The Golden Star…

Phân khúc trung cấp cũng là nguồn cung chủ đạo của thị trường BĐS Tp.HCM trong tháng 3. Nguồn cung này tập trung chủ yếu ở khu Đông, Nam và Tây thành phố. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như The Art, Citisoho, LuxGarden, Celadon City, Green Town Bình Tân, Sun Square, Conic Skyway Residence, The Golden Star…

Trong khi đó, nguồn cung cao cấp tại thị trường Hà Nội chủ yếu là các dự án mở bán trước đó được chào hàng đợt kế tiếp như Vinhomes Green Bay, D’.Capitale , Vinhomes SkyLake, Mỹ Đình Pearl. Thị trường Tp.HCM sôi động với khá nhiều dự án cao cấp lần đầu được giới thiệu như Sophia Garden, Lancaster Lincoln, Sensation, Republic Plaza Cộng Hòa…

So với 2 tháng đầu năm, tháng 3 là tháng bùng nổ của BĐS nghỉ dưỡng. Hàng loạt dự án mới ồ ạt xuất hiện ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Khu vực phía Bắc có FLC Lux City Sầm Sơn (Thanh Hóa), Mon Bay (Quảng Ninh)… Miền Trung và Nam có lượng cung lớn nhất với các dự án: Coco Ocean-Spa Resort, Coco Ocean-Spa Resort (Đà Nẵng), Ariyana Smart Condotel, Opal Ocean View, Panorama, Ariyana Smart Condotel (Nha Trang), Premier Village Phu Quoc Resort, Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc) … Đáng chú ý, BĐS nghỉ dưỡng trong tháng 3 lộ diện nhiều “tay chơi mới” như Trung Thuỷ Group, Hoa Sen Group, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Thắng Lợi Group…

Đất nền “tăng nhiệt”, nhà phố cho thuê “hạ nhiệt”

Trong tháng 3, TTBĐS ghi nhận sự biến động về giá ở nhiều khu vực trên cả nước. Sự tăng giá diễn ra mạnh mẽ ở phân khúc đất nền thuộc Đà Nẵng, Tp.HCM. Đặc biệt, tại Tp.HCM, đất nền khu Đông, khu Tây đang tăng giá chóng mặt, vượt đỉnh của lịch sử năm 2007. Trái ngược với sự tăng giá của đất nền, chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè ở hai đô thị Hà Nội và Tp.HCM khiến phân khúc nhà mặt phố cho thuê có sự sụt giảm về giá.

Khu Đông Tp.HCM bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức tiếp tục là điểm nóng của đất nền trong các tháng đầu năm 2017. Mức tăng tại đây là từ 10 – 40% so với thời điểm cuối năm 2016. Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, các nền đất dự án hoặc thổ cư tại các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Long Thuận (Q.9)… giá tăng bình quân một nền đất là 50 triệu đồng/nền. Đất nền KDC tại đường Lò Lu (Q.9) được chào bán giá 18-19 triệu đồng/m2 vào tháng 11/2016, đến tháng 3/2017, giá đã tăng lên 23-24 triệu đồng/m2. Đất nền đường Nguyễn Duy Trinh, Long Thuận, giá bán thời điểm cuối năm 2016 là 22-25 triệu đồng/m2, đến tháng 3/2017, giá đã lên 26-30 triệu đồng/m2.

thị trường bất động sản tháng 3
Chung cư The Zen. Phân khúc nhà mặt phố cho thuê tại Hà Nội và Tp.HCM có
dấu hiệu “hạ nhiệt” sau chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè

Tại khu Tây Tp.HCM, thông tin về cuộc đổ bộ các siêu dự án của những ông lớn: Tuần Châu, Vingroup cũng khiến đất nền nơi đây tăng giá chóng mặt. Hiện đất nền dự án và đất lẻ thổ cư tại khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, so với thời điểm cuối năm, giá tăng từ 10– 50%. Cụ thể, đất tại Trung Lập Hạ, Phú Hòa Đông, Trung An (Củ Chi), thời điểm tháng 10/2016 có giá 1,5 – 2 triệu/m2, đến tháng 3/2017, giá tăng lên 3 – 6 triệu/m2. Cá biệt, đất mặt tiền thuộc Tân Thới Nhì, Tân Phú Trung – nơi tuyến đường Xuyên Á đi qua, giá đất thời điểm cuối năm 2016 là 2-6 triệu/m2, nay có nơi đã tăng lên 8-12 triệu/m2. Đất tại Long Hòa, Bình Khánh, Lý Nhơn (Cần Giờ), giá đất thời điểm quý III/2016, dao động từ 1-2,5 triệu/m2, nay đã tăng lên 3,5-5 triệu/m2. Tại Hóc Môn, đất ở Xuân Thới Thượng, Bà Điểm, tăng từ 4 – 5.5 triệu/m2 (quý III/2016) lên đến 6 – 7.5 triệu/m2 (quý I/2017). Đất nền thuộc các tuyến đường nhỏ gần Nguyễn Văn Bứa, Phan Văn Hớn giá tăng từ 3,5 triệu/m2 lên 4,5 triệu/m2 trong vòng một tháng sau Tết Nguyên đán.

Tại thị trường Đà Nẵng, giá đất nền khu vực ven sông Hàn, ven biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Hoà Xuân, Hoà Quý, Nam cầu Nguyễn Tri Phương, Đào Bá Tùng và tất cả khu vực trục Nam TP.Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), so với thời điểm cuối năm 2016, giá tăng từ 30-50%.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, “cơn sốt” đất nền tại các khu vực trên là hệ quả từ hoạt động mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư thứ cấp, người mua ở thực không nhiều. Bởi vậy, nếu người mua “té nước theo mưa”, không phân tích, nhìn nhận đúng thị trường và tiềm lực bản thân, sẽ phải nhận “trái đắng” khi thị trường đi xuống.

Ngược lại với đất nền và đất thổ cư, phân khúc nhà mặt phố cho thuê tại Hà Nội và Tp.HCM có dấu hiệu “hạ nhiệt” sau chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, lợi nhuận của nhiều hộ kinh doanh tại các tuyến phố lớn của Hà Nội như phố Huế, Hoàng Cầu, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Tây Sơn, Thái Hà, Đống Đa… đã bị giảm sút sau chiến dịch này. Nhiều chủ quán ăn trên phố Hai Bà Trưng, phố Huế không còn tận dụng được không gian vỉa hè để kinh doanh. Các cửa hàng thời trang tại Chùa Bộc, Thái Hà cũng vắng khách do không có chỗ để xe trên vỉa hè.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các tuyến phố lớn của Tp.HCM như Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Võ Thị Sáu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Trỗi… Nhiều hộ kinh doanh ở Tp.HCM phải chấp nhận mất thêm khoản phí thuê chỗ để xe cho khách tại các hẻm gần cửa hàng.

Ông Đỗ Xuân Quang, giám đốc JLL Việt Nam nhận định, người Việt có thói quen mua sắm gắn với phương tiện cá nhân nên chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè sẽ tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng mặt phố. Chiến dịch này có thể làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Họ sẽ chọn cửa hàng trong các trung tâm thương mại – nơi có chỗ để xe và nhiều dịch vụ, tiện ích khác.

Trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh tại Hà Nội và Tp.HCM đang tính đến việc trả lại mặt tiền khi hết hạn hợp đồng và tìm kiếm địa điểm kinh doanh mới thuận lợi hơn trong các ngõ, hẻm hoặc các trung tâm thương mại. Theo dự báo của các chuyên gia, giá nhà mặt phố cho thuê sẽ sụt giảm trong thời gian tới.

Thúy An
(Theo Nhịp sống thời đại)

Chung cư Gamuda

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *