Doanh nghiệp bất động sản đòi công bằng trong chính sách thuế

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đều lên tiếng về việc họ bị phân biệt đối xử trong chính sách thuế so với các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp cho rằng, điều này đã gây nhiều khó khăn, bất lợi cho họ khi tham gia thị trường.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group (doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản) cho biết, Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính có nêu quy định ghi nhận doanh thu bất động sản được áp dụng tương tự các loại hàng hóa thông thường khác. Tuy nhiên, khi thu nộp ngân sách lại xếp kinh doanh bất động sản vào lĩnh vực đặc thù, tức doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị và thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi ghi nhận doanh thu. Trong khi đó, các lĩnh vực khác được nộp thuế tại thời điểm ghi nhận doanh thu.

Thiệt thòi, bất công cho doanh nghiệp

Ông Bình thẳng thắn nói: “Điều này không chỉ thể hiện sự phân biệt đối xử trong chính sách thuế giữa lĩnh vực kinh doanh bất động sản với lĩnh vực kinh doanh khác mà còn gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (khi đã phải ứng vốn rất nhiều trong quá trình đầu tư)”.

Cũng theo ông Bình, ngoài chính sách thuế còn có sự bất hợp lý trong quy định về bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 có nêu quy định: “Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư… phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.”

Tuy nhiên quy định trên lại chưa có điều khoản nào về trường hợp hoạt động kinh doanh bất động sản lãi và hoạt động sản xuất kinh doanh khác lỗ thì việc bù trừ giữa lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản với lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh khác sẽ giải quyết ra sao.

“Như vậy, trên thực tế có những doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh tổng thể lỗ (sau khi đã bù trừ thu nhập của cả hai hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác) nhưng vẫn phải nộp thuế trên khoản lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản”, ông Bình cho hay.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch CEO Group cho rằng nên để cho doanh nghiệp được bù trừ lãi giữa hoạt động bất động sản với lỗ của hoạt động kinh doanh khác.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, GĐ Công ty Lê Thành thì nêu lên những thực tế từ chính doanh nghiệp mình. GĐ Công ty Lê Thành cho biết, trong số các ngành nghề kinh doanh của công ty có cả bất động sản và siêu thị. Trong khi mấy năm nay, kinh doanh siêu thị liên tục thua lỗ do mới đưa vào hoạt động thì mảng bất động sản của công ty lại khá hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên cơ quan thuế lại không cho doanh nghiệp lấy lợi nhuận của bất động sản bù cho mảng siêu thị. Nghịch lý này khiến số lãi từ mảng bất động sản vẫn phải đóng thuế từng đồng còn khoản lỗ của siêu thị thì vẫn “treo” ở đó.

Ông Nghĩa bức xúc bày tỏ: “Cùng một công ty nhưng hoạt động ở nhiều mảng khác nhau nên cho tôi lấy lời của mảng này bù cho mảng kia chứ. Chứ như chính sách hiện nay thì quá bất công cho chúng tôi”.

doanh nghiệp bất động sản
Các doanh nghiệp bất động sản đề xuất cho bù trừ lãi lỗ hai chiều để góp
phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Ảnh minh họa

Đại diện Công ty CP Bất động sản Toàn Cầu là ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT cũng thẳng thắn khẳng định, quy định này là bất hợp lý, tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp bất động sản. Hơn nữa, quy định cũng chưa được tính toàn phù hợp để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp – nhà nước và người tiêu dùng.

“Việc chỉ cho phép bù trừ lỗ từ hoạt động kinh doanh bất động sản sang hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà không được điều chuyển ngược lại đã cản trở quá trình phát triển, mở rộng của doanh nghiệp, khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công”, ông Hiệp nhận xét.

Quy định hiện hành sẽ được sửa đổi ra sao?

Quy định về chính sách thuế nêu trên ra đời trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thậm chí có thời điểm thị trường còn bị đóng băng, vì vậy đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khi đó không những không có lợi nhuận mà còn thua lỗ. Vì thực trạng này, Luật thuế TNDN ra đời và chính thức áp dụng từ 1/1/2014 để các doanh nghiệp được phép bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên lại chưa có quy định ngược lại.

Về vấn đề này, Ls Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico đánh giá: “Quy định này rất bất hợp lý và đáng tiếc là dù đã có kiến nghị sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn được duy trì”.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea), ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội cũng phân tích, quy định thu thuế riêng với hoạt động kinh doanh bất động sản, thậm chí còn tách riêng ra từng dự án không những không đúng mà còn không hợp tình.

“Việc cho phép doanh nghiệp được bù trừ cả lãi từ chuyển nhượng bất động sản với hoạt động kinh doanh khác có thể làm giảm nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên, việc cho bù trừ lãi lỗ hai chiều còn giúp tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh thì cơ quan thuế càng có thêm nguồn thu mới chứ không phải tách ra để tận thu như hiện nay”, ông Nam nói.

Kết quả khảo sát của một công ty kiểm toán cho thấy, nhiều nước trong khu vực trong đó có Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đều quy định lãi lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được bù trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng Việt Nam và Malaysia hiện vẫn đang áp dụng “van thuế một chiều”, tức các doanh nghiệp không được bù trừ lãi bất động sản cho các hoạt động kinh doanh khác.

Một chuyên gia cũng nêu quan điểm: “Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mạnh về bất động sản bắt đầu quay đầu tư sang các ngành sản xuất, dịch vụ thiết yếu trong nền kinh tế. Nhưng cứ lãi đồng nào ở bất động sản là bị “đè” thu thuế đồng đó, không cho bù sang lĩnh vực đầu tư mới. Đây là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa tạo ra nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh để sánh vai các nước trong khu vực và thế giới”.

Trước các bức xúc của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết cũng đã có nhiều ý kiến góp ý quy định hiện hành khi có sự phân biệt đối xử giữa hoạt động kinh doanh bất động sản với các ngành nghề khác, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề. Bộ cho rằng, quy định này không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện nay và đang trình Chính phủ xem xét thời gian tới sẽ sửa đổi bổ sung quy định hiện hành. Cụ thể, sẽ sửa quy định theo hướng cho bổ sung quy định doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Một vị đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm: “Thực hiện giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành kinh doanh bất động sản, tháo gỡ khó khăn trong bán tài sản đảm bảo tiền vay hiện hành của các tổ chức tín dụng và góp phần giảm thủ tục hành chính”.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *