Chi hơn 20 tỷ đồng để ôm 3 căn biệt thự sát nghĩa trang của một dự án nhưng đã nhiều năm mà không ai hỏi đến, vị đại gia này cũng chán nản bỏ hoang, đánh rơi khoản đầu tư gần 1 triệu USD. Giá các lô biệt thự liền kề gần nghĩa trang luôn thấp hơn các vị trí khác nên những người có máu liều vẫn mua để ở hoặc gom hàng chờ khi nghĩa trang được di dời.
Mua để chờ thời
Các chủ đầu tư đều mong muốn dự án có đất sạch bởi việc di dời nghĩa trang khá khó khăn hay thậm chí chủ đầu tư không dám động tới nghĩa trang. Để phát triển dự án bất động sản (BĐS), điều khó tránh khỏi là việc gặp phải nghĩa trang. Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá BĐS tại khu vực này.
Theo anh Tuấn Hải, một môi giới nhà đất tại Hà Nội, nhà đất gần nghĩa trang là vấn đề nhạy cảm và khó bán. Giá những căn này thấp hơn hẳn so với những căn ở các vị trí khác. Tuy nhiên, vì mức giá hời nên vẫn có người bạo gan ôm vài căn.
Không tiết lộ cụ thể danh tính của người mua, anh Hải cho biết, tại một dự án mới đây, đã có đại gia ôm ba biệt thự căn sát nghĩa trang với giá hơn 20 tỷ đồng.
Vị đại gia này chia sẻ, theo quy hoạch, nghĩa trang sẽ được di dời nghĩa trang để mở đường. Khi đó, mấy căn biệt thự này sẽ tăng giá và chắc chắn sẽ có lời. Anh Hải nói: “Ai cũng sợ cạnh nghĩa trang nhưng đất không thể sinh ra được nên vẫn có người mua ở đây”.
Trên thực tế, hàng loạt dự án nhà ở lớn, khu đô thị mới được xây dựng cũng nằm trong cảnh “sống cùng nghĩa trang” như khu đô thị Nam Thăng Long, Văn Quán – Yên Phúc, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Mỗ Lao, Việt Hưng…
Là một trong những khu đô thị hạng sang của Hà Nội, Ciputra đang vướng một nghĩa trang lớn bên cạnh dự án. Chủ đầu tư đã xây dựng tường cao ngang với tầng hai của những ngôi biệt thự.
Một khu đô thị cao cấp khác tại Long Biên cũng chưa thể hoàn thành nốt phần hạ tầng cho dự án do nghĩa trang chưa được di dời. Không ít người phải lạnh gáy trước cảnh khói nhang nghi ngút giữa khu đô thị cao cấp.
Tại Tp.HCM, nghĩa trang Bình Hưng Hòa, một trong những khu nghĩa trang lớn nhất Tp.HCM vừa được phê duyệt di dời để lấy đất xây dựng khu đô thị cao cấp gồm nhà ở và thương mại dịch vụ.
Khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa có tổng diện tích 45ha. Diện tích cần thu hồi để thực hiện dự án là 41ha với 75.000 ngôi mộ cần di dời. Đến hiện tại, hơn 1.500 ngôi mộ đã được di dời, số ngôi mộ còn lại hầu như chưa có thân nhân.
Theo các chuyên gia, việc di dời để tái sử dụng đất làm dự án là rất cần thiết, nếu khu đất này không được giải tỏa để làm khu đô thị là một sự lãng phí lớn.
Cảnh biệt thự “ma”
Dù đánh liều chi vài chục tỷ đồng mua BĐS nhưng không ít các căn biệt thự tại đây đều bị bỏ hoang. Đơn cử như tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, các căn biệt thự gần nghĩa trang đều không có người ở.
Anh Hải cũng cho biết, nghĩa trang là một vấn đề nhạy cảm. Không ít chủ đầu tư giấu thông tin này để bán được nhà. Với những dự án không thể di dời, chủ đầu tư sẽ khắc phục bằng cách trồng cây xanh và xây tường cao.
Việc di dời các nghĩa trang để lấy đất thực hiện dự án không hề đơn giản, nhiều chủ đầu tư đã phải chùn tay. Thậm chí, người dân còn phản ứng mạnh mẽ đối với những dự án có liên quan tới nghĩa trang.
Một chủ đầu tư chia sẻ mong muốn di dời các nghĩa trang ra khỏi khu đô thị theo đúng quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, việc này muốn thực hiện được thì cần có sự đồng tình của những gia đình có mộ phần. Dù thành phố đã có quy hoạch di dời nghĩa trang nhưng việc thực hiện cho đến nay vẫn còn chậm thậm chí không thực hiện được.
Anh Hải cho rằng, nghĩa trang nhỏ sau khi di dời một thời gian thì người dân có thể lãng quên nhưng những dự án lớn thì khó có thể thay đổi được tâm lý của người mua nhà. Vì vậy, việc bán nhà tại những dự án từng là nghĩa trang không hề đơn giản.
Xem thêm:
- TỔNG QUAN GAMUDA CITY
- Hơn 200 gian hàng tham gia hội chợ triển lãm bất động sản Việt Nam 2017
- Cần bán căn nhà phố shophouse Gamuda, trả chậm 4 năm, CK 5%
- Hợp thức hóa nhà đất giấy tay: Lại lùi thời hạn
- Triển khai lắp đặt chuông hình tại khu đô thị cao cấp Gamuda Gardens
- Chương trình bốc thăm may mắn chào xuân Mậu Tuất 2018 tại Gamuda Gardens